Chức năng xã hội của luật sư là các phương diện hoạt động chủ yếu của luật sư trong các mối quan hệ xã hội, xác định vị trí, vai trò của luật sư trong mối quan hệ với nhà nước và xã hội công dân, với các cá nhân, cơ quan, tổ chức, với các hoạt động kinh tế – xã hội, với pháp luật và công lý. Điều 3 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi, bổ sung 2012 quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, sự tham gia của luật sư trong các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử thể hiện không chỉ sự bảo đảm dân chủ hóa tiến trình tố tụng mà còn là cơ sở cho việc thực hiện quyền con người trong hoạt động tư pháp. Có thể nói, không có sự tham gia của đội ngũ luật sư Việt Nam trong những năm qua thì không thể nói đến kết quả hoạt động xét xử của Tòa án và ảnh hưởng to lớn của nó đến quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về luật sư hiện nay. Với tư cách là chủ thể thực hiện pháp luật, luật sư đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật, thông qua các bình diện:
Thứ nhất, trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, là cầu nối chuyển tải pháp luật vào đời sống, tạo thế ổn định và minh bạch trong sự phát triển của xã hội, bộ máy Nhà nước có được sự trợ giúp pháp lý để vận hành và quyết sách đúng đắn, tố tụng tư pháp có được sự đối trọng cần thiết tạo thành bản chất dân chủ và người dân có được chỗ dựa về mặt pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
Thứ hai, theo phạm vi hành nghề, luật sư có vai trò trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, các đương sự, cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác; trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Thứ ba, luật sư có vai trò phản ánh các chuẩn mực, các giá trị xã hội và niềm tin vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người.
Khi địa vị pháp lý của luật sư đã được thừa nhận rộng rãi về mặt pháp lý và có được chỗ đứng trong xã hội, cần nhận thức thấu đáo hơn về chức năng xã hội của luật sư như được quy định tại Điều 3 Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012): “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nói tới chức năng xã hội của luật sư là đề cập đến thiên chức và sứ mệnh của luật sư trong xã hội, tới cách thức mà luật sư hành nghề hướng đến những giá trị cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Chức năng này không phải tự nhiên mà có, bởi về bản chất, hoạt động luật sư phản ánh trước hết bởi nhu cầu của cá nhân, tổ chức mong muốn được trợ giúp về pháp lý nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tương quan không ngang bằng giữa quyền lực Nhà nước và cá nhân. Mặt khác, nhìn từ góc độ lịch sử, có thể nhận thấy việc hình thành nghề luật sư có căn nguyên sâu xa từ cuộc đấu tranh chống những áp bức và bất công trong xã hội.
Chức năng xã hội của luật sư được thể hiện thông qua khả năng đáp ứng nhu cầu pháp lý của người dân một cách minh bạch và tạo ra cho người dân nhận biết chân thực và công bằng các nhu cầu chính đáng ấy. Quan niệm này xuất phát từ việc xác định vị trí luật sư trong xã hội là người hướng dẫn pháp luật. Người dân trông chờ vào sự trợ giúp về mặt pháp lý của luật sư vì họ tin tưởng không chỉ vào kiến thức pháp lý, kỹ năng hành nghề mà cả về tính liêm chính, chuẩn mực trong hành vi của cá nhân và tổ chức luật sư như là một tầng lớp trí thức ưu tú, có văn hóa và hoài bão, có ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển của xã hội.
Khi nói tới chức năng xã hội của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, cần đặt trong sự phát triển dân chủ của xã hội nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng. Nghiên cứu về bản chất của hoạt động luật sư trong tiến trình phát triển dân chủ của xã hội hiện còn nhiều quan niệm rất khác nhau, nhưng muốn thực hiện được chức năng xã hội nêu trên, trước hết phải bảo đảm các điều kiện và cơ sở kinh tế cho việc thực hiện các quyền tự do và dân chủ của công dân. Hiệu quả hoạt động luật sư sẽ góp phần vun đắp nhận thức và sự tin cậy của người dân đối với các thiết chế dân chủ, trong đó định chế luật sư được nhìn nhận như một trong những yếu tố bảo đảm cho việc phát triển dân chủ xã hội.
Chức năng xã hội của Luật sư có thể được hiểu là những phương diện hoạt động nghề nghiệp đóng góp và mang lại những giá trị đích thực cho xã hội của Luật sư. Các phương diện hoạt động của Luật sư được triển khai ở một số nội dung như sau:
- Hoạt động tranh tụng của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, các tổ chức kinh tế-xã hội và Nhà nước.. Trong hoạt động tư pháp nếu không có sự tham gia của Luật sư thì khó có thể xâu dựng một nền tư pháp dân chủ, minh bạch,công khai niềm tin của người dân vào công lý sẽ bị suy giảm . Đặc biệt trong trường hợp gây ra oan sai thì công lý sẽ bị tổn thương khó có thể bù đắp được. Do đó, hoạt động tranh tụng của Luật sư khi tham gia vào hoạt động tư pháp không những góp phần vào bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, các tổ chức kinh tế- xã hội, góp phần bảo vệ công lý, mà điều quan trọng là tạo được niềm tin của nhân dân vào công lý, lẽ phải, từ đó sẽ củng cố niềm tin vào chế độ xã hội.
- Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư thông qua tư vấn pháp luật, và dịch vụ pháp lý khác hay đại diện bến ngoài tố tụng đều xuất phát từ nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Dịch vụ pháp lý của Luật sư không những có khả năng giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn, kinh té – xã hội một cách văn minh, làm cho xã hội ổn định , an toàn cho mọi người mà còn góp phần ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra nếu như được sử dụng ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư sản xuất – kinh doanh , hay tham gia vào bất kỳ một quá trình nào đó của xã hội.
- Ngoài ra chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng của Luật sư đối với những người, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sự cống hiến đối với xã hội của Luật sư và đội ngũ Luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần xây đắp lên những giá trị xã hội của nghề Luật sư. Những năm vừa qua, Luật sư và đội ngũ Luật sư cùng với sự quan tâm của nhà nước và xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình xáo đối giảm nghèo, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Luật sư Việt Nam đang hành nghề ở hầu hết các lĩnh vực đời sống. Do đó chức năng của Luật sư, nghề Luật sư là hết sức đa dạng đáp úng các như cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các chủ thể trong xã hội.
Qua quá trình phát triển của nghề Luật sư, điều dễ nhận thấy là nghề Luật sư được hình thành từ cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công xã hội. Chính từ hành động chống lại những bất công trong xã hội có giai cấp mà hình ảnh Luật sư xuất hiện như sự hiện diện của một đấng cứu thế, phản ánh ước vọng khát khao của các tầng lớp nhân dân về công bằng, dân chủ. Do đó, hoạt động của Luật sư không thể tách rời với các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và mô hình tố tụng hình sự của mỗi quốc gia. Từ đó có thể thấy, các quan hệ pháp luật điều chỉnh chính là những tiền đề để nghề Luật sư tồn tại và phát triển.
Vì vậy, chức năng xã hội của Luật sư được thể hiện thông qua khả năng đáp ứng nhu cầu pháp lý của các chủ thể trong xã hội một cách minh bạch, giúp những chủ thể này nhận biết chân thực và chính xác các nhu cầu chính đáng của mình. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với Luật sư khi tham gia tố tụng là phải tuân thủ pháp luật, có kỹ năng, kỷ luật, có trình độ chuyên môn, tận tâm với khách hàng và còn phải là người có tấm lòng yêu thương con người, một lòng vì chính nghĩa, tin tưởng vào công bằng xã hội. Khi tham gia tố tụng, Luật sư được xem như người soi đường chỉ lối giúp phân định tính đúng sai trong xử sự của chủ thể nhằm đáp ứng mục tiêu phân xử công bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Với định hướng, xây dựng phát triển Việt Nam trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW chính là điều khẳng định nghề Luật sư trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay như một đòi hỏi tự thân của nền công lý và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Khi nói tới chức năng xã hội của Luật sư nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng, cần đặt vị trí Luật sư trong các mối quan hệ chi phối đến hoạt động nghề nghiệp và xem xét các yếu tố này trong tổng thể các giá trị của sự phát triển dân chủ, quan niệm về sự công bằng, văn minh cũng như các thành tố khác tạo nên xã một xã hội dân chủ. Hoạt động của Luật sư trong tố tụng thời gian qua đã góp phần mang đến cho xã hội nói chung và hoạt động tố tụng nói riêng những giá trị dân chủ, thông qua sự bình đẳng trong tranh tụng, đề xuất yêu cầu, đại diện hoặc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện thông qua hoạt động hành nghề trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng chính sách, công dân nơi vùng xa, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn hay hoạt động trợ giúp pháp lý theo chỉ định của cơ quan tố tụng.
Như vậy, có thể khẳng định yếu tố tín nhiệm đối với nghề Luật sư luôn là điều kiện tiên quyết, đòi hỏi quá trình phấn đấu không ngừng trong tiến trình hoạt động hành nghề. Luật sư luôn phải ý thức được trách nhiệm xã hội của nghề nghiệp, luôn đảm bảo lấy việc phụng sự công lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng làm tôn chỉ thực hiện hoạt động nghề nghiệp, thực hiện trên cơ sở pháp luật, lấy uy tín làm gốc. Đây chính là yêu cầu nội tại, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư.
Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có những quy tắc chung mang tính chất là những nghĩa vụ đạo đức cơ bản của luật sư và các quy tắc cụ thể điều chỉnh hành vi của luật sư khi tham gia các nhóm quan hệ xã hội trong hành nghề, trong đó phân ra:
– Các tiêu chuẩn chung về mặt đạo đức nghề nghiệp luật sư: Các tiêu chuẩn này liên quan đến chức năng xã hội của luật sư, với sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tuân thủ và trung thành với Hiến pháp, pháp luật; độc lập, ngay thẳng, tôn trọng sự thật và góp phần vào việc phát triển hệ thống pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động công ích.
– Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với khách hàng: Đây là các tiêu chuẩn quan trọng nhất trong Bộ quy tắc. Bởi vì, mối quan hệ với khách hàng chính là “lửa thử vàng” đối với cá nhân luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, sự tiêu cực/hay không tiêu cực của luật sư đều xuất phát từ nền tảng quan hệ này và tác dụng của nó có ý nghĩa chi phối các hành vi ứng xử khác trong “tổng hòa các quan hệ xã hội” của luật sư. Các tiêu chuẩn này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng, bao gồm việc tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phạm trù đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, việc nhận thù lao, v.v..
– Các tiêu chuẩn đạo đức trong mối quan hệ với đồng nghiệp luật sư: Pháp luật về luật sư có rất ít quy phạm điều chỉnh mối quan hệ này. Bởi vì quan hệ đồng nghiệp, về thực chất là những quan hệ đạo đức, trong đó chủ yếu là thái độ ứng xử với nhau trong giới luật sư. Tiêu chuẩn này đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới là uy tín của chính mình. Điều mình không muốn thì không được làm với đồng nghiệp.
– Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, với cơ quan truyền thông…: Thực ra, điều chỉnh mối quan hệ này, pháp luật đã có các quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với chủ thể – luật sư, với tư cách “người tham gia tố tụng” hoặc tư cách chủ thể khác tương ứng. Các tiêu chuẩn đạo đức trong phạm vi quan hệ này có ý nghĩa bổ trợ cho thái độ ứng xử của cá nhân luật sư.
– Các tiêu chuẩn về kỷ luật nghề nghiệp luật sư: Các tiêu chuẩn này chính là những điều cấm (không được làm) đối với luật sư khi hành nghề. Luật sư sẽ phải chịu các chế tài kỷ luật đối với các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Áp dụng các biện pháp chế tài này đòi hỏi phải quy phạm hóa các tiêu chuẩn kỷ luật – thuộc chức năng tự quản nghề nghiệp của LĐLSVN theo điều lệ, làm căn cứ cho việc xử lý kỷ luật đối với từng cá nhân luật sư.